PHẦN NHẤT

33 BÀI GIÁO LÝ về 

VINH QUANG THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

Như chúng ta đã biết, sau khi trở thành mục tử tối cao của Giáo Hội, ngày 22/10/1978, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bắt đầu dạy giáo lý cho con cái mình trong các cuộc triều kiến chung vào mỗi ngày thứ tư hằng tuần, thường tại Đại Thính Đường Phaolô VI, với bài giáo lý đầu tiên ngày 5/9/1979. Chủ đề giáo lý Đức Thánh Cha dạy bao gồm tất cả mọi lãnh vực thuộc đức tin Kitô Giáo.

 

Riêng đối với biến cố Cử Hành Năm Thánh 2000, như chiều hướng của từng năm trong ba năm trước Năm Thánh 2000 được Ngài đề ra trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ban hành ngày 10/11/1994 để sửa soạn cho Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô Giáo, Đức Thánh Cha đã dạy giáo lý chủ đề về từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, từ ngày 9/11/1997 đến 15/12/1999: giáo lý về Chúa Kitô (15 bài), về Chúa Thánh Thần (22 bài) và về Chúa Cha (36 bài). Bắt đầu chính thức bước vào Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã dạy giáo lý về cả Ba Ngôi Thiên Chúa một lúc cho từng bài, với chủ đề chung là Vinh Quang Thiên Chúa Ba Ngôi, như Ngài đã tự xác nhận ở ngay đoạn 1 của bài giáo lý ngày 19/1/2000:

 

·        Sau khi đã suy tư mấy năm qua về mỗi một ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi Thiên Chúa – Ngôi Con, Ngôi Thần Linh và Ngôi Cha – trong năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta muốn có một cái nhìn toàn diện về vinh quang chung của cả Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất, ‘không phải duy nhất trong một ngôi vị mà là trong Ba Ngôi cùng một bản thể’ (Kinh Tiền Tụng Lễ Trọng Kính Chúa Ba Ngôi). Dự định này cũng tương hợp với những gì đã được đề ra trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, một văn kiện phác họa mục đích nhắm đến trong giai đoạn cử hành Cuộc Đại Mừng Kỷ Niệm là ‘để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là khởi điểm của hết mọi sự trên thế gian cũng như trong lịch sử và là cùng đích mà mọi sự phải qui về’ (đoạn 55)” (người dịch tự ý in đậm chi tiết cần được nhấn mạnh).

 

Bởi thế, Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài Vinh Quang Thiên Chúa Ba Ngôi này theo thứ tự các khía cạnh sau đây, như Ngài cũng đã phác họa trong cùng bài giáo lý vừa được trích dẫn, ở đoạn 4 và 5: 

 

·        “Trong Năm Mừng Kỷ Niệm đây, việc chúng ta suy niệm sẽ nhắm vào những đề tài về sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi này, một sự sống có trước việc tạo dựng và là cội nguồn của việc tạo dựng. Là mầu nhiệm của các nguồn gốc làm phát sinh ra tất cả mọi sự, đối với chúng ta, Thiên Chúa như là một Đấng toàn hữu và là Đấng thông ban sự hữu, như ‘ánh sáng chiếu soi hết mọi người’ (x Jn 1:9), như Đấng Hằng Sống và là Đấng ban sự sống... mầu nhiệm này, một mầu nhiệm là nguồn gốc và là nền tảng cho hết mọi sự hiện hữu.

 

“Thế nhưng, như chúng ta đã đề cập đến ngay từ đầu, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng hiện ra trước mắt chúng ta như là một mục tiêu lịch sử phải hướng đến, như quê hương chúng ta trông mong. Việc chúng ta suy niệm về Chúa Ba Ngôi, qua những lãnh vực khác nhau của việc tạo dựng và lịch sử, sẽ nhắm đến mục tiêu này, một mục tiêu được Sách Khải Huyền hết sức mạnh mẽ vạch ra cho thấy như là một dấu ấn của lịch sử”.

 

Thế nhưng, sau khi quảng diễn đề tài Vinh Quang Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc tạo dựng cũng như qua lịch sử, một lịch sử đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Lời Nhập Thể, Đức Thánh Cha hướng chủ đề này về con người, như Ngài đã đề cập đến ở đầu bài giáo lý ngày 7/6/2000 và 5/7/2000:

 

·        Trong năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta đang cố ý suy tư giáo lý về đề tài vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Sau khi chiêm ngưỡng vinh quang của Ba Ngôi thần linh nơi việc tạo thành, nơi lịch sử cũng như nơi mầu nhiệm Chúa Kitô, giờ đây chúng ta hướng về con người để khám phá ra nơi họ những tia sáng tỏa ra từ tác động của Thiên Chúa”.

 

·        “Thế nên, sau khi suy niệm về vinh quang của Ba Ngôi được tỏ hiện trong vũ trụ và lịch sử ở những bài giáo lý trước, giờ đây chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình hướng nội, bằng cách khám phá những đường lối nhiệm mầu Thiên Chúa dùng trong việc tìm đến gặp gỡ con người để chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài. Vì Thiên Chúa yêu thương tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, như vị mục tử ưu ái trong dụ ngôn chúng ta vừa đọc (x Lk 15:4-7), mà Ngài không bao giờ thôi tìm kiếm tạo vật, cho dù họ có tỏ ra hờ hững lạnh lùng hay thậm chí tỏ ra thù ghét sự sống thần linh, như con chiên lạc đàn luẩn quẩn ở những ngõ cụt hiểm nghèo đi chăng nữa”.

 

Và sau cùng, Đức Thánh Cha đã hướng chủ đề giáo lý về chính trọng tâm của Năm Thánh 2000 là Thánh Thể, như Ngài đã nói lên ngay khi mở bài giáo lý đầu tiên trong  loạt bài giáo lý về Thánh Thể ngày 27/9/2000 như sau:

 

·        Theo chương trình được phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente, Năm Mừng Kỷ Niệm này, năm long trọng cử hành biến cố Nhập Thể, phải là một năm ‘nặng về Thánh Thể’ (số 55). Bởi thế, sau khi ngắm nhìn vinh quang của Chúa Ba Ngôi tỏa chiếu trên đường nẻo của con người, chúng ta hãy bắt đầu tiến đến phần giáo lý về việc cử hành vinh quang thần linh cao cả dù thấp hạ là Thánh Thể. Cao cả, vì Thánh Thể là việc Chúa Kitô hiện diện được thực sự thể hiện giữa chúng ta ‘mãi mãi cho đến tận thế’ (Mt 28:20); thấp hạ, vì Thánh Thể được trao ban cho thành phần đơn thành, vì là những hình thức bánh rượu thường ngày, vì là thứ của ăn của uống thông thường nơi mảnh đất của Chúa Giêsu cũng như của nhiều phần đất khác. Nơi thứ bổ dưỡng thường ngày này, Thánh Thể mang lại chẳng những hứa hẹn mà còn ‘bảo chứng’ cho vinh quang mai hậu nữa: ‘futurae gloriae nobis pignus datur’ (Thánh Tôma Aquina, Officium de festo corporis Christi)”. Để thấu hiểu được tính cách cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể, hôm nay chúng ta hãy suy niệm đề tài về vinh quang thần linh cũng như về tác động của Thiên Chúa trong thế giới, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được tỏ lộ qua những biến cố cứu độ cao cả, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được khuất kín dưới những hình thức thấp hạ mà chỉ có con mắt đức tin mới thấy được”.

 

Phải, Vinh Quang Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ hiện chói sáng nhất và hoàn toàn nhất nơi Lời Nhập Thể, Đấng chẳng những đã ở giữa loài người khi “hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) mà còn ở cùng nhân loại nói chung và Giáo Hội của Người nói riêng cho đến tận thế, qua Bí Tích Thánh Thể nữa. Bởi vì, Người chính “là phản ảnh vinh quang Cha” (Heb 1:3), một vinh quang được tuyệt vời tỏa rạng “hôm qua, hiện nay và muôn đời” (Heb 13:8).

 

Vì, như bài giáo lý ngày 16/8/2000 Đức Thánh Cha dạy,Chúa Kitô là cuộc gặp gỡ tối hậu giữa thiên chúa và loài người”, mà Người chính là nguyên lý nhân bản đích thực và trọn hảo của văn minh loài người, Đấng con người phải theo mới có được “một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), Đấng mọi người phải tìm kiếm và nhận biết như “Vị Cứu Tinh Nhân Trần” duy nhất của mình mới gặp được chân lý giải phóng (x Jn 8:32).